Cần phải làm gì sau khi bạn vô tình tiếp xúc gần với người nhiễm, nghi nhiễm COVID-19?

COVID 19 – Nỗi ám ảnh không chỉ của người dân Việt Nam mà còn là của các cấp chính quyền, nhân dân trên toàn thế giới với hàng chục triệu ca nhiễm và đến thời điểm hiện tại đã xác nhận hàng nghìn người tử vong do nhiễm chủng virus này, các con số trên vẫn không ngừng tăng lên qua từng ngày.

Sau khi những ca mắc mới COVID 19 được phát hiện công bố, sơ đồ dịch tễ chi tiết được thiết lập, nhiều người sẽ nằm trong danh sách nghi nhiễm COVID 19 do có tiếp xúc trước đó với người bệnh. Việc tiếp xúc với người bị nhiễm hay nghi nhiễm COVID 19 là điều không ai mong muốn. Tuy nhiên, nếu đã vô tình tiếp xúc với họ, thì chúng ta cần làm gì? Một câu hỏi đặc biệt nhận được nhiều quan tâm trong dư luận hiện nay.

Bài viết dưới đây của Y tế 24h sẽ giải đáp thắc mức này đồng thời cung cấp những thông tin chi tiết và đầy đủ cho độc giả như: COVID 19 là gì mà ai cũng phải e ngại khi nhắc đến? Đối tượng nào có nguy cơ mắc COVID 19? Nếu vô tình tiếp xúc với những người nhiễm hay nghi nhiễm COVID 19 chúng ta cần làm gì? Khi nào chúng ta cần đi đến các cơ sở y tế? Cần làm gì để giảm nguy cơ bị lây nhiễm SARS – CoV 2?

COVID-19 là gì?

Virus Corona mới hay còn gọi là COVID 19, nCoV hoặc SARS CoV-2. Đây là một dạng mới của Coronavirus gây nhiễm trùng hô hấp cấp tính với các triệu chứng như sốt, ho, khó thở, đau đầu….

Khác với các chủng virus gây bệnh trước đó như SARS, MERS hay loại Coronavirus gây nhiễm trùng theo mùa ở Hoa Kỳ, các ca đầu tiên nhiễm COVID 19 được phát hiện vào cuối năm 2019 – đầu 2020 ở Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc trong các ca bệnh viêm phổi không rõ nguyên nhân tại địa phương này. Hiện nay, chủng virus mới này đã lan rộng ra hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn thế giới, đã và đang đe doạ tính mạng của hàng triệu người.

Các thông tin mới nhất về COVID-19

Các nghiên cứu chỉ ra rằng hiện nay phương thức lây truyền chủ yếu của COVID 19 vẫn là từ người sang người, thông qua các giọt bắn từ dịch hô hấp do người nhiễm bệnh hắt hơi, ho hay thở ra. Trong khoảng thời gian ủ bệnh kéo dài từ 2 -14 ngày, người bệnh vẫn có khả năng truyền nhiễm cho những người lành khác mà mình tiếp xúc. Sau thời gian này, người bệnh sẽ bắt đầu có các triệu chứng với biểu hiện ban đầu giống với cúm như sốt trên 38 độ C, ho, khó thở, đau cơ và mệt mỏi,…

Nếu không được điều trị kịp thời, bệnh sẽ nhanh chóng tiến triển lên viêm phổi, hội chứng suy hô hấp cấp tính, nhiễm trùng huyết, sốc nhiễm trùng và có thể dẫn đến tử vong. Các biện pháp điều trị hiện nay thường chỉ là điều trị triệu chứng, giảm biến chứng và tỉ lệ tử vong cho người bệnh mà chưa có biên pháp điều trị hiệu qủa nào.

Hiện tại chưa có vaccin phòng bệnh nhiễm trùng hô hấp cấp do COVID 19 gây ra nên các biện pháp phòng ngừa lây nhiễm bệnh là cực kì quan trọng. Vì vậy, mỗi người cần tự ý thức đảm bảo vệ sinh cá nhân, rửa tay thường xuyên, đeo khẩu trang để đảm bảo sức khoẻ cho chính mình và mọi người trong cộng đồng. Nếu như nghi ngờ mình có khả năng bị nhiễm cần thực hiện các biện pháp cách ly và báo ngay cho cơ sở y tế để được tư vấn cụ thể.

Tổ chức Y tế Thế giới đã tuyên bố dịch viêm phổi do virus corona mới (NCP) là một tình huống khẩn cấp y tế toàn cầu (PHEIC) kể từ ngày 30 tháng 1 năm 2020 và là một đại dịch kể từ ngày 11 tháng 3 năm 2020, dựa trên các tác động của coronavirus tại các nước nghèo, những nơi có cơ sở hạ tầng chăm sóc sức khỏe yếu kém hơn.

Phân loại, cách ly người nhiễm, nghi nhiễm COVID-19

Dưới đây là sơ đồ phân loại và cách ly người nhiễm, nghi nhiễm, tiếp xúc với người nhiễm, nghi nhiễm COVID-19 theo Khuyến cáo của Bộ Y Tế:

Nguyên tắc phân loại, cách ly người nhiễm, nghi nhiễm COVID-19

F0: Người được xác định nhiễm

  • Cần điều trị theo chỉ định của bác sĩ
  • Thực hiện cách ly tại bệnh viện
  • Tự phục vụ để hạn chế lây cho mọi người
  • Báo cho F1 về tình trạng của mình.

F1: Người nghi nhiễm hoặc tiếp xúc F0

  • Đeo ngay khẩu trang và hạn chế tối đa việc tiếp xúc với người khác
  • Báo cho cơ sở y tế quận nơi sinh sống
  • Chuẩn bị đồ và đi cách ly tại Bệnh viện
  • Đồng thời báo cho F2 về tình trạng của mình.

F2: Người tiếp xúc với F1

  • Đeo ngay khẩu trang
  • Báo cho cơ sở y tế quận nơi sinh sống
  • Chuẩn bị đồ đạc, làm theo hướng dẫn cách ly của cán bộ y tế (tại nhà hoặc tập trung)
  • Đồng thời báo cho F3 về tình trạng của mình.

F3: Người tiếp xúc với F2

  • Đeo ngay khẩu trang
  • Báo cho cơ sở y tế quận nơi sinh sống
  • Chuẩn bị đồ đạc, làm theo hướng dẫn cách ly của cán bộ y tế (tại nhà hoặc tập trung)
  • Đồng thời báo cho F4 về tình trạng của mình.

F4: Người tiếp xúc với F3

  • Đeo ngay khẩu trang
  • Tự cách ly, theo dõi tại nhà
  • Báo cho cơ sở y tế quận nơi sinh sống

F5: Người tiếp xúc với F4

  • Thực hiện các hướng dẫn tương tự như F4
Người nhiễm và nghi nhiễm lần lượt được phân loại là F0,F1,F2,…

Những người nhiễm, nghi nhiễm bệnh hoặc có tiếp xúc với những đối tượng kể trên cần cập nhật tình trạng của các F khác để có hướng phòng ngừa và xử trí kịp thời, tránh để bệnh lây lan hoặc nặng thêm, gây nguy hiểm. Và đặc biệt, có một số bạn có thể nghĩ rằng xét nghiệm âm tính là an tâm, không cần tiếp tục theo dõi nhưng thời gian ủ bệnh có thể khác nhau ở mỗi người, cần duy trì cách ly theo hướng dẫn của cán bộ y tế hoặc đủ 14 ngày để đảm bảo an toàn tuyệt đối, đừng để tình trạng “Con sâu bỏ rầu nồi canh”.

Bên cạnh đó, cũng có một số đối tượng có khả năng mắc COVID 19 cao và khi mắc mức độ bệnh tình cũng có thể trầm trọng hơn so với bình thường như:

  • Người cao tuổi do sức đề kháng yếu, khả năng chống chọi với bệnh tật kém
  • Các đối tượng có mắc các bệnh lí tiềm ẩn hay bệnh mạn tính như: các bệnh về huyết áp, tim mạch, tiểu đường, rối loạn chức năng gan hay suy giảm chức năng hô hấp, viêm phổi,…
  • Những người có nguy cơ phát triển những triệu chứng nghiêm trọng.

Nếu vô tình tiếp xúc với những người nhiễm hay nghi nhiễm COVID 19 chúng ta cần làm gì?

Do tính đến thời điểm hiện tại vẫn chưa tìm ra loại vaccin nào có thể phòng ngừa COVID 19 và cũng chưa có phương pháp điều trị nào đặc hiệu nên việc phòng tránh, ngăn chặn khả năng lây lan của nCoV là rất quan trọng và cần thiết.

Vì vậy, hãy nâng cao ý thức của bản thân, không chỉ vì chính mình mà còn vì sự an toàn của cả cộng đồng, nếu không thể góp sức thì chúng ra cũng đừng khiến những hành động có ích của mọi người xung quanh trở nên vô nghĩa nhé.

Nếu vô tình tiếp xúc với những người nhiễm hay nghi nhiễm COVID 19, các bạn cần phải thực hiện đầy đủ theo hướng dẫn của Bộ Y Tế như: thực hiện tự cách ly 14 ngày, không ra ngoài, tránh tiếp xúc người khác, đeo khẩu trang, đảm bảo vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, súc miệng, nhỏ mắt, có chế độ ăn uống hợp lý, nâng cao sức đề kháng cho cơ thể và mỗi người dân cần nhận biết các dấu hiệu của bệnh, nhanh chóng thông báo với cơ sở y tế để có biện pháp phòng ngừa và điều trị phù hợp,….

Thực hiện tự cách ly 14 ngày

Nếu như bạn nằm trong các loại F kể trên thì việc thực hiện cách ly là bắt buộc và thực sự cần thiết.

Do thời gian ủ bệnh của virus Corona từ 2 – 14 ngày nên và trong khoảng thời gian này, dù chưa xuất hiện triệu chứng nhưng người bệnh vẫn có khả năng lây cho những người xung quanh thông qua những tiếp xúc gần gũi, giọt bắn từ dịch tiết đường hô hấp nên việc cách ly trong vòng 14 sẽ có tác dụng ngăn chặn sự lây lan của chủng virus mới mang tên nCoV, hạn chế tối đa các trường hặp mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus này gây ra.

Tự cách ly khi biết mình có nguy cơ mắc SARS-CoV 2

Các đối tượng sẽ thực hiện cách ly y tế theo Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm năm 2007.

Đối tượng thuộc diện cách ly

Những người thuộc nhóm F0 và F1 sẽ được cách ly tại bệnh viện, theo dõi và điều trị bệnh.

Người có tiếp xúc trực tiếp với người bệnh mắc COVID 19 (thuộc nhóm F2) và những đối tượng tiếp xúc gián tiếp bao gồm F3, F4 và F5 sẽ thực hiện tự cách ly y tế tại nhà hoặc nơi lưu trú.

Những người có hoặc có thể không có các triệu chứng nghi nhiễm nCoV như sốt, ho, khó thở, đau nhức cơ,… nhưng có các tiếp xúc trực tiếp hoặc gián tiếp với người bệnh hay những người thuộc diện nghi ngờ trong thời gian mắc bệnh như:

  • Sống trong cùng nhà hoặc nơi lưu trú
  • Đồng nghiệp cùng làm việc tại một địa điểm hoặc có tiếp xúc khi làm việc
  • Cùng nhóm du lịch, đoàn công tác hay cùng nhóm vui chơi có gặp gỡ, giao lưu cùng nhau.
  • Có tiếp xúc gần trong vòng 2 mét với bệnh nhân hay các đối tượng nghi ngờ trong thời gian mắc bệnh dù là ở bất kì tình huống nào đều phải thực hiện cách ly.
  • Người có ngồi chung một chuyến xe, toa tàu hay máy bay ở vị trí cùng hàng ghế, trước hoặc sau người mắc bệnh hay nghi ngờ mắc bệnh trong thời gian lây nhiễm.
  • Những đối tượng là người nước ngoài hoặc kể cả những người Việt từ nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam đều được yêu cầu và thực hiện cách ly y tế 14 ngày kể từ ngày nhập cảnh.

Thời gian thực hiện cách ly

Thời gian cách ly tối đa là 14 ngày, tính từ ngày đối tượng có tiếp xúc lần cuối với người bệnh hoặc đối tượng nghi ngờ mắc bệnh.

Trong trường hợp người bị nghi ngờ mắc bệnh được chẩn đoán âm tính, không bị nhiễm virus nCoV thì những người trong diện cách ly có liên quan sẽ kết thúc việc cách ly. Các đối tượng nhập cảnh vào Việt Nam sẽ được cách ly đủ 14 ngày kể từ ngày nhập cảnh.

Tổ chức thực hiện cách ly COVID-19
  • Tổ chức điều tra và lập danh sách, ghi nhận các thông tin cụ thể về đối tượng được cách ly.
  • Cung cấp số điện thoại của cơ quan y tế để có thể giải đáp các thắc mắc, xử trí kịp thời các ca bệnh hay những diễn biến bất thường của người nghi nhiễm.
  • Phối hợp với chính quyền địa phương trong việc thông báo đầy đủ cho người được cách ly, gia đình và người quản lý nơi lưu trú về yêu cầu, mục đích và thời gian thực hiện cách ly
  • Tăng cường các biện pháp giúp cho các đối tượng tự nguyện cách ly, trong trường hợp phản kháng, có thể thực hiện biện pháp cưỡng chế cách ly y tế.
  • Hướng dẫn người được cách ly cách sử dụng và tự đo nhiệt độ cơ thể ít nhất 2 lần (sáng, chiều) trong ngày và ghi chép các thông tin về sức khoẻ của các đối tượng trong thời gian cách ly vào phiếu theo dõi sức khoẻ hàng ngày. Sau đó báo cáo kết quả này cho cơ quan y tế tuyến huyện.
  • Hướng dẫn mọi người thực hiện các cách thức khử trùng nơi ở như lau nền nhà, bề mặt dụng cụ hay tay nắm cửa,… bằng xà phòng, chất khử trùng hay chất tẩy rửa.
  • Đảm bảo thực hiện nghiêm ngặt và đầy đủ các quy định về phòng chống lây nhiễm cho cán bộ y tế theo quy định của Bộ Y tế khi tiếp xúc với người được cách ly.
  • Hướng dẫn thu gom riêng các đồ dùng, vật dụng của mình. Rác thải của những trường hợp nghi ngờ lây nhiễm sẽ được xử lí như chất thải lây nhiễm còn những đối tượng khác sau khi hết thời gian cách ly và được chẩn đoán không mắc bệnh thì xử lí như rác thải thông thường.
  • Đưa ra các khuyến cáo giúp cho người dân thực hiện đúng các biện pháp phòng ngừa lây nhiễm bệnh
  • Nếu người cách ly có các biểu hiện ban đầu của nhiễm bệnh cần báo cáo ngay cho y tế tuyến trên và chính quyền địa phương để kịp thời xử lý đồng thời chuyển đối tượng đến bệnh viện để theo dõi và điều trị phù hợp.
  • Chia sẻ, động viên và tận tình giúp đỡ những người bị cách ly để giảm áp lực tâm lý cho họ trong suốt thời gian theo dõi
  • Ngay sau khi kết thúc thời gian cách ly, các cán bộ y tế cần báo cáo kết quả cuối cùng cho y tế tuyến huyện và chính quyền địa phương.

Người được cách ly cần phối hợp với cán bộ y tế trong các vấn đề như:

  • Chấp hành nghiêm chỉnh và đầy đủ các quy định về cách ly theo hướng dẫn của cán bộ y tế.
  • Đảm bảo những yêu cầu về vệ sinh môi trường, nơi ở cũng như vệ sinh cá nhân thật tốt
  • Tự đo nhiệt độ cơ thể 2 lần/ ngày vào sáng và tối, đồng thời chú ý theo dõi những biểu hiện của cơ thể và báo cáo đầy đủ tình hình sức khoẻ hàng cho cán bộ y tế hàng ngày. Nếu có dấu hiệu gì bất thường cần báo ngay với cán bộ y tế để có biện pháp xử lí kịp thời và phù hợp.
  • Hạn chế tối đa việc ra khỏi phòng riêng, luôn đeo khẩu trang, hạn chế tiếp xúc với mọi người, nếu có cần giữ khoảng cách tối thiểu 2 mét.
  • Không tự ý rời khỏi nhà, nơi cư trú khi đang trong thời gian cách ly.
  • Thu gom riêng rác thải, đồ dùng của mình
  • Không ăn chung với những người khác.

Thành viên trong hộ gia đình, người làm việc, quản lý nơi lưu trú của người được cách ly cần:

  • Hạn chế tiếp xúc với người được cách ly, luôn đeo khẩu trang và đảm bảo khoảng cách tối thiểu 2 mét nếu cần tiếp xúc.
  • Vệ sinh nơi ở, phòng làm việc và vệ sinh cá nhân sạch sẽ bằng xà phòng, các loại nước sát khuẩn hay dung dịch tẩy rửa phù hợp.
  • Hỗ trợ tâm lý cũng như đảm bảo cung cấp các vật dụng cần thiết, đồ ăn,… cho người được cách ly trong suốt quá trình theo dõi.
  • Nếu người thuộc diện cách ly có bất kì dấu hiệu nào như sốt, ho, khó thở,… cần báo ngay cho cán bộ y tế được phân công phụ trách theo dõi.
  • Không tổ chức các hoạt động vui chơi, tụ tập đông người khi có người đang được cách ly tại nhà.

Chính quyền địa phương cần tạo điều kiện, động viên, giúp đỡ và phối hợp chặt chẽ cùng cán bộ y tế cũng như người dân trong quá trình thực hiện cách ly

Trong quá trình thực hiện cách ly, nếu gặp phải bất kì vướng mắc, khó khăn nào các đơn vị và cá nhân cần gửi lên Cục Y tế dự phòng của Bộ Y Tế để cùng nghiên cứu và có biện pháp giải quyết thích hợp.

Hạn chế đi ra ngoài

Mặc dù chính quyền và các cán bộ y tế đã cẩn thận tìm hiểu và thiết lập danh sách các đối tượng mắc bệnh và nghi ngờ mắc bệnh để được theo dõi và cách ly nhưng lại không đảm bảo tất cả các trường hợp lây nhiễm được loại trừ.

Hạn chế đi ra ngoài, tránh tiếp xúc với người khác

Đôi khi chỉ một hành động đơn giản như chạm tay vào tay nắm của cửa có virus sau đó đưa lên mũi, miệng hay tình cờ bắt chuyện ở khoảng cách gần với những người đang trong thời gian ủ bệnh thôi cũng có thể khiến cho chúng ta nhiễm loại bệnh nguy hiểm này rồi đó.

Do vậy, mỗi người cũng cần có ý thức bảo vệ bản thân mình bằng việc “hạn chế tối đa ra khỏi nhà, chỉ ra ngoài khi thực sự cần thiết; nếu ra ngoài thì luôn luôn đeo khẩu trang, giữ khoảng cách an toàn với người tiếp xúc (tối thiểu 2 m)”, đây cũng là lời kêu gọi của Phó thủ tướng Vũ Đức Đam trong chiến dịch đẩy lùi COVID 19.

Tránh tiếp xúc với người khác

Cũng tương tự như việc hạn chế đi ra ngoài. Hạn chế tiếp xúc với người khác cũng là một trong những biện pháp được khuyến cáo. Bởi khi hạn chế tiếp xúc với người khác, tỉ lệ tiếp xúc với người mắc bệnh hay có nguy cơ mắc bệnh cũng sẽ ít đi, từ đó hạn chế được nguy cơ nhiễm bệnh từ cộng đồng. Nếu bắt buộc phải tiếp xúc với người khác hãy đảm bảo rằng bạn đã đeo khẩu trang và giữ khoảng cách ít nhất 2 mét để yên tâm hơn nhé.

Đeo khẩu trang

Do virus Corona lây truyền qua đường hô hấp thông qua các giọt bắn khi người bệnh ho, hắt hơi,… Với những người chưa nhiễm bệnh, đeo khẩu trang khi ra ngoài như một lớp bảo vệ không cho các tác nhân gây bệnh có cơ hội tấn công.

Với đối tượng đã nhiễm bệnh hay đang trong giai đoạn ủ bệnh, việc đeo khẩu trang giúp ngăn cản khả năng phát tán virus ra ngoài môi trường. Do vậy, các đối tượng có nguy cơ lây nhiễm này nếu không đeo khẩu trang, dịch tiết mũi họng của họ có thể bắn xa tới 2 mét và gây nguy hiểm cho mọi người xung quanh.

Tuy vậy, để đảm bảo an toàn và hiệu quả, chúng ta cần đeo khẩu trang đúng cách vì nếu có khẩu trang mà không sử dụng đúng cách cũng chỉ như vô ích vừa tốn kém tiền bạc vừa tăng khả năng lây nhiễm bệnh mà thôi.

Dưới đây là một số điều cần chú ý khi sử dụng khẩu trang để đảm bảo an toàn và phòng dịch hiệu quả:

  • Bạn có thể sử dụng khẩu trang y tế hoặc khẩu trang vải
  • Với khẩu trang y tế, nên đeo mặt đậm ra ngoài, nếp gấp xuôi xuống dưới
  • Nên đeo khẩu trang trong quá trình tiếp xúc hay giao tiếp với mọi người xung quanh
  • Đeo khẩu trang ôm sát mặt, đồng thời chỉnh thanh kim loại sao cho vừa vặn với sống mũi
  • Khẩu trang y tế chỉ nên được dùng 1 lần, không nên tái sử dụng.
  • Với khẩu trang vải, nên giặt sạch đúng cách mỗi ngày hoặc sau khi tiếp xúc với người bệnh hay những người thuộc diện nghi ngờ nhiễm bệnh trong thời gian theo dõi.
  • Sau khi sử dụng xong khẩu trang cần thu gom lại hoặc vứt đúng nơi quy định để tránh lây lan dịch bệnh ra ngoài môi trường vì đó có thể là nguy cơ tiềm ẩn khiến cho những người xung quanh có thể gặp nguy hiểm.

Thường xuyên rửa tay với xà phòng

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), việc rửa tay đúng cách được xem như một liều “vaccin tự chế” trong thời điểm dịch bệnh đang hoành hành như thế này. Cách làm này vừa đơn giản, dễ thực hiện và cũng vô cùng tiết kiệm nhưng rất quan trọng, giúp ngăn ngừa sự phát tán của dịch bệnh có thể cứu sống hàng vạn người.

Rửa tay bằng xà phòng cho hiệu quả cao hơn nước rửa tay khô

Các nghiên cứu từ trước đến nay đã chứng minh hiệu quả của việc rửa tay sạch sẽ. Chỉ với một động tác rửa tay đơn giản mà bất kì ai cũng có thể tự thực hiện đã có khả năng tiêu diệt đến 35% các loại vi khuẩn, virus cư trú trên tay của chúng ta, từ đó giúp ngăn ngừa sự lây lan của dịch bệnh. Việc rửa tay thường xuyên với xà phòng, chúng ta đã có thể giảm thiểu được 35 – 47% nguy cơ nhiễm các bệnh như: Tay chân miệng, tiêu chảy hay thương hàn…

Các chuyên gia thuộc lĩnh vực kiểm soát nhiễm khuẩn cũng cho biết trong cộng đồng vẫn luôn tồn tại những bệnh lý truyền nhiễm với mức độ nguy hiểm khác nhau, đặc biệt là dịch bệnh do nCoV gây ra từ đầu năm nay. Và có một biện pháp hữu hiệu để giảm thiểu, ngăn ngừa sự lây lan của những mầm bệnh này, đó chính là giữ gìn vệ sinh, bao gồm cả việc rửa tay đúng cách.

Với sự lộng hành của dịch bệnh Viêm đường hấp cấp do chủng mới của Corona virus gây ra, không chừa bất kì ai, có thể dễ dàng lây truyền qua dịch nhầy hay dịch tiết đường hô hấp, xâm nhập vào cơ thể từ mắt, mũi, họng, chủ yếu là qua bàn tay có nhiễm virus. Do vậy, việc giữ vệ sinh bàn tay sạch sẽ và rửa tay đúng cách trở thành một trong những yếu tố then chốt được Bộ Y tế nước ta và Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo, giúp cho công tác phòng chống dịch được hiệu quả hơn.

Súc miệng, nhỏ mắt để chủ động phòng dịch COVID 19

Bên cạnh các biện pháp như đeo khẩu trang, rửa tay thường xuyên với xà phòng, hạn chế đi ra ngoài và hạn chế tiếp xúc với mọi người,… thì nhỏ mắt mũi, súc miệng cũng nằm trong khuyến cáo của Bộ Y Tế.

Các chuyên gia cho biết việc vệ sinh mắt, mũi và miệng hàng ngày bằng nước muối sinh lý có tác dụng duy trì độ ẩm cho mắt, màng nhầy mũi, từ đó giúp chống lại vi khuẩn. Rửa mắt, mũi, miệng thường xuyên trong ngày giúp rửa trôi những mầm mống gây bệnh như khói bụi, vi khuẩn, virus,…

Nước súc miệng với các thành phần sát khuẩn sẽ giúp làm sạch khoang miệng, giảm thiểu nguy cơ truyền bệnh giữa người với người qua đường hô hấp.

Tăng cường sức đề kháng

Bên cạnh các biện pháp phòng tránh lây nhiễm, mỗi người cần tự tăng cường sức đề kháng của mình để có khả năng chống chọi với bệnh tật cũng như các tác nhân gây bệnh.

Bạn có thể tăng cường sức khoẻ của mình thông qua việc tập luyện thể dục, thể thao đều đặn, hợp lí kết hợp với chế độ ăn dinh dưỡng, bổ sung đầy đủ chất cho cơ thể.

Tăng cường sức đề kháng bằng các thực phẩm chứa nhiều vitamin C

Một số đồ ăn, thức uống có tác dụng tăng cường sức đề kháng:

  • Các loại thực phẩm giàu Vitamin C: các rất nhiều lựa chọn cho mọi người như các loại trái cây có múi (cam, quýt, bưởi,…), ớt chuông đỏ, bông cải xanh, đu đủ, kiwi,…. Tất cả những thực phẩm nói trên đều là những loại thực phẩm rất giàu vitamin C và còn giúp bổ sung các loại vitamin khác như A, K, khoáng chất, các chất chống oxy hoá và một số yếu tố vi lượng (sắt,…) đặc biệt hiệu quả trong việc tăng sức đề kháng cho trẻ em cũng như người lớn.
  • Một số sản phẩm có chứa các hoạt chất kháng viêm hiệu quả như tỏi, gừng,… cũng đem lại ích lợi cho miễn dịch cơ thể.
  • Thịt gia cầm rất giàu vitamin B6 – nhân tố cần thiết giúp cho các phản ứng hóa học trong cơ thể xảy ra và cũng góp mặt trong quá trình hình thành của  các tế bào hồng cầu mới. Với thịt gia cầm, bạn có thể chế biến rất nhiều món cho cả gia đình cùng thưởng thức như kho, làm món soup đều có thể lưu giữ hàm lượng gelatin, chondroitin cũng như các chất dinh dưỡng khác hữu ích cho hệ miễn dịch đường ruột.
  • Sữa chua có chứa lượng lớn các lợi khuẩn và vitamin D sẽ là một lựa chọn tuyệt vời để nâng cao sức đề kháng của bạn và gia đình đấy.
  • Ngoài ra, các động vật có vỏ như cua, ghẹ, tôm, sò,… giúp bổ sung kẽm, tăng cường hoạt động của các tế bào trong hệ miễn dịch.
  • Uống nước đầy đủ mỗi ngày để duy trì độ ẩm cho cơ thể. 70% cơ thể là nước nên việc bổ sung nước đầy đủ không chỉ giúp cho làn da của bạn thêm mịn màng, tràn đầy sức sống mà còn rất hữu ích, giúp cơ thể khoẻ mạnh hơn nhiều.

Những sản phẩm này thật gần gũi và dễ tìm kiếm đúng không nào? Hãy là trở thành một nhà thông thái, chiến binh bảo vệ sức khoẻ của bạn và cả gia đình chỉ đơn giản bằng việc bổ sung thêm các thực phẩm có ích cho khả năng miễn dịch của cơ thể thông qua những bữa ăn hàng ngày nhé.

Bên cạnh việc tập luyện thể dục, lên thực đơn dinh dưỡng cho cả gia đình, chúng ta cũng cần lưu ý phải tự bảo vệ sức khoẻ bản thân, hạn chế làm việc nặng nhọc hay gắng sức vì khi cơ thể chúng ta suy yếu, mệt mỏi, các nhân tố gây bệnh và đặc biệt là virus sẽ càng có cơ hội hoạt động và có thể gây ra những tình trạng nghiêm trọng mà chúng ta không thể lường trước được.

Khi nào cần đến các cơ sở y tế?

Vậy khi nào thì cần đến các cơ sở y tế? Có phải chỉ cần là đối tượng nghi ngờ thì đều phải đến cơ sở y tế? Đây là câu hỏi mà rất nhiều người đặt ra khi phải đối diện với căn bệnh có thể gây nguy hiểm chết người như vậy.

Khi có những biểu hiện mắc COVID-19 hãy đến cơ sở y tế ngay

Không phải tất cả mọi người đều phải đến cơ sở y tế. Theo khuyến cáo của Bộ Y Tế, bạn cần thông báo và đến cơ sở y tế khi có các biểu hiện dưới đây:

  • Sốt trên 38 độ
  • Ho
  • Đau đầu
  • Khó thở

Hãy cặp nhiệt độ nếu có dấu hiệu nóng đầu và chú ý theo dõi sức khoẻ của bản thân trong mùa dịch này để có thể kịp thời phát hiện ra các dấu hiệu bất thường, được thăm khám và điều trị phù hợp nha.

Khi đến các khu vực đang có sự lây truyền trong cộng đồng bạn nên làm gì để đảm bảo an toàn?

Để đảm bảo an toàn, chúng ta cần tuân thủ và thực hiện đầy đủ những nguyên tắc sau đây khi ra ngoài hay tiếp xúc với người khác:

  • Đeo khẩu trang mỗi khi đến nơi công cộng hoặc phải tiếp xúc với người khác.
  • Tránh tiếp xúc với người bệnh, đặc biệt là những người có một số dấu hiệu đặc trưng của bệnh sốt, ho,…
  • Tránh đi chợ hoặc đến những nơi xử lí động vật sống hay đã chết
  • Tuân theo các quy tắc chung trong quản lý vệ sinh cá nhân, vệ sinh chân tay và vệ sinh an toàn thực phẩm
  • Rửa tay bằng xà phòng và nước hoặc dung dịch khử trùng có chứa cồn trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh và sau khi tiếp xúc với động vật
  • Tránh tiếp xúc với động vật, dịch tiết hay phân của chúng để hạn chế tối đa nguy cơ nhiễm bệnh
  • Tuân thủ các quy định chung trong đảm bảo vệ sinh chung dù bạn đi du lịch ở bất kì đâu.
  • Giữ khoảng cách tối thiểu 2m khi tiếp xúc với người khác
  • Đến cơ sở y tế ngay khi có các dấu hiệu sốt, ho, đau đầu, mệt mỏi để được khám và điều trị kịp thời.

Sau khi đọc xong bài viết này chắc hẳn các bạn đã biết được liệu mình có thuộc đối tượng cần chú ý trong mùa COVID này hay không cũng như những điều cần làm để bảo vệ sức khoẻ bản thân và cộng đồng, giúp ích cho xã hội rồi chứ.rong khi các tổ chức, chính quyền trên toàn thế giới cũng như ở Việt Nam đang tích cực thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh thì chúng ta – một phần của xã hội cũng không thể lơ là, bất cẩn đúng không nào? Việc mỗi người dân nâng cao ý thức, thực hiện tốt các quy định, khuyến cáo và chỉ đạo của cơ sở, chính quyền các cấp sẽ góp phần mang lại chiến thắng trong cuộc chiến chống COVID 19.

Nguồn tham khảo: VTC Now

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

0912.677.982