Trong phiên họp đầu tiên cách đây 2 ngày, Bộ Chính trị, Ban Bí thư chỉ đạo nhiệm vụ trọng tâm trong quý I phải vừa tập trung phòng, chống dịch, vừa phát triển kinh tế – xã hội. Ý kiến chuyên gia cho rằng, chính sách gỡ vướng cho doanh nghiệp trong vùng dịch cần được nêu thành chủ trương chung, bởi bệnh có thể xuất hiện ở tỉnh, thành phố khác.
Mục tiêu không đơn giản
Nhằm thực hiện mục tiêu kép vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế – xã hội, cùng với nỗ lực của cả hệ thống chính trị, vai trò chủ động của doanh nghiệp hơn lúc nào hết cần được phát huy mạnh mẽ. Thực tế cho thấy, cộng đồng doanh nghiệp đã và đang nỗ lực thực hiện tốt quy định phòng chống dịch.
Công nhân Công ty Best Pacific thuộc Khu công nghiệp Lương Điền – Cẩm Điền, huyện Cẩm Giàng làm thủ tục trước khi lấy mẫu xét nghiệm.
Công nhân Công ty Best Pacific thuộc Khu công nghiệp Lương Điền – Cẩm Điền, huyện Cẩm Giàng làm thủ tục trước khi lấy mẫu xét nghiệm.
Tại Hải Dương, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Lương Thu Hương xác nhận, hầu hết doanh nghiệp đều thực hiện nghiêm túc các quy định về phòng, chống dịch như thông điệp 5K, nhiều doanh nghiệp nêu cao tinh thần chủ động tại chỗ trong trường hợp có ca dương tính với Covid-19.
Tại Nam Định, dù chưa ghi nhận ca nhiễm Covid-19 song Tổng Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư và Thương mại An Lành (Cụm công nghiệp An Xá, TP Nam Định) Nguyễn Chí Dũng xác nhận, doanh nghiệp luôn quán triệt tốt các biện pháp phòng chống dịch kể từ khi dịch bùng phát vào năm ngoái, như đo thân nhiệt, khẩu trang, khử khuẩn… Chuyên sản xuất trang thiết bị vật tư tiêu hao trong ngành y tế như băng gạc, đồ bảo hộ cấp độ 3 và 4 và hiện xuất khẩu sang Mỹ, Nhật Bản, các nước châu Âu, hiện tình hình sản xuất của doanh nghiệp này đã ổn định trở lại, các đơn hàng liên tục tăng. “Dự báo tăng trưởng cả năm nay sẽ đạt khoảng 10 – 15% kế hoạch trong trường hợp không có ca lây nhiễm. Chúng tôi đang cố gắng thực hiện đúng các quy trình đề ra để hiện thực hóa mục tiêu”, ông Dũng khẳng định.
Mặc dù vậy, việc bảo đảm thực hiện mục tiêu kép đối với doanh nghiệp hiện không đơn giản. Bởi lẽ, dù lãnh đạo Bộ Y tế khẳng định dịch bệnh ở Hải Dương đã được kiểm soát song tại tỉnh lân cận là Hưng Yên trong ngày hôm qua đã phát hiện một công nhân quê ở huyện Cẩm Giàng, Hải Dương dương tính với Covid-19. Tại Hải Phòng, Công ty TNHH Regina Miracle International đang thiếu hụt khoảng 10.000 lao động (chiếm 1/3 tổng số lao động) là người Hải Dương và Quảng Ninh chưa thể quay trở lại làm việc do tác động của dịch. Bên cạnh đó, dù chưa có thống kê chính thức song việc UBND tỉnh Hải Dương ra quy định người từ các địa phương khác không được đến vùng dịch Cẩm Giàng làm việc mà phải tự cách ly tại nhà cũng sẽ tạo ra nguồn thiếu hụt lao động với nhiều doanh nghiệp.
Không dừng lại ở việc thiếu hụt lao động, nhiều doanh nghiệp trong vùng dịch Hải Dương đang phải đối mặt với việc gia tăng áp lực tài chính khi phải thực hiện xét nghiệm Covid-19 cho toàn bộ công nhân và tự chi trả kinh phí. Nhìn nhận về vấn đề này, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) Phan Đức Hiếu cho rằng đây rõ ràng tạo thêm gánh nặng cho doanh nghiệp. Trong bối cảnh hiện nay, nếu không sớm gỡ vướng cho doanh nghiệp sẽ khó bảo đảm thực hiện mục tiêu kép. Bởi lẽ, nếu doanh nghiệp cảm thấy chi phí xét nghiệm lớn quá, không thể kham nổi, họ có thể dừng xét nghiệm. Trong trường hợp có ca dương tính buộc doanh nghiệp phải tạm ngưng hoạt động sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới người lao động do bị mất việc làm, doanh nghiệp không có doanh thu.
Phải làm rõ hàng hóa có là nguồn lây bệnh?
Theo các chuyên gia, để bảo đảm mục tiêu kép, vấn đề quan trọng hiện nay là Chính phủ cần sớm gỡ trực tiếp cho doanh nghiệp thông qua hỗ trợ chi phí xét nghiệm.
“Trong lúc này, vai trò của công đoàn cần được thể hiện”, ông Phan Đức Hiếu nhấn mạnh. “Tổ chức công đoàn cần có tiếng nói để huy động nguồn lực chi trả chi phí xét nghiệm này; đề xuất Chính phủ để có chính sách hỗ trợ trực tiếp tới doanh nghiệp chứ không phải “im ắng” như hiện nay”.
Các chuyên gia cho rằng, việc gỡ khó trực tiếp cho doanh nghiệp không nên chỉ mang tính “gãi ngứa” tức thời cho các doanh nghiệp trong vùng dịch mà cần được nêu thành chủ trương chung trong cả nước. Bởi nói như Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách và Phát triển truyền thông Nguyễn Quang Đồng, “dịch bệnh cũng có thể xảy ra với địa phương khác và các doanh nghiệp có thể được yêu cầu tương tự Hải Dương”.
Nhìn nhận từ việc UBND TP Hải Phòng từng ra thông báo dừng tiếp nhận hàng hóa từ vùng dịch Hải Dương, Phó Viện trưởng CIEM lý giải sở dĩ có tình trạng này một phần bởi tâm lý lo sợ đây chính là nguồn lây nhiễm dịch bệnh. Do vậy, cơ quan chuyên môn (ngành y tế) cần sớm có thông báo xem hàng hóa từ vùng dịch có phải là nguồn lây bệnh không, nếu có thì quy trình xử lý như thế nào để bảo đảm hàng hóa đó an toàn. Chừng nào chưa công khai vấn đề này, chừng đó sẽ vẫn còn những e ngại và có thể tiếp tục xảy ra tình trạng “ngừng tiếp nhận hàng hóa từ vùng dịch” ở bất cứ địa phương nào